Tiểu sử Qua Nhĩ Giai thị (Dận Nhưng)

Xuất thân cao quý

Đích phi mang họ Qua Nhĩ Giai thị (瓜尔佳氏), gia tộc vốn ở cư ngụ ở Liêu Đông, Mãn Châu Chính Bạch kỳ, sau đó đổi gọi thành [Thạch thị], vậy nên tất cả văn thư đều xưng bà theo họ ấy[1]. Ngoại tằng tổ phụ Mãn Đạt Hải, truy thụy Tốn Giản Thân vương (巽简親王), cháu nội của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, con trai thứ 7 của Lễ Liệt Thân vương Đại Thiện. Ngoại tổ phụ của bà là Thường A Đại, tập tước Tốn Thân vương (巽親王), song vì nhà có liên quan đến Đa Nhĩ Cổn mà chỉ được truy phong Hoài Mẫn Bối lặc (懷愍貝勒). Thân mẫu của bà là con gái thứ hai của Thường A Đại, được phong [Đa La Cách cách; 多罗格格], tương đương Quận quân.

Thân phụ của Qua Nhĩ Giai thị là Thạch Văn Bính (石文炳), con trai của Nhị đẳng thị vệ Hào Thiện (豪善), nhậm chức Đô thống, có mẹ là con gái thứ ba của Dự Thông Thân vương Đa Đạc, được phong Quận Chúa. Nội tằng tổ mẫu của Qua Nhĩ Giai thị, tức là mẹ của vị Quận chúa kia, chính là Đích Phúc tấn Bát Nhĩ Tế Cát Đặc thị của Dự Thông Thân vương, gọi Hiếu Đoan Văn Hoàng hậu là chị họ. Như vậy cả hai họ nội ngoại của Qua Nhĩ Giai thị đều xuất thân Hoàng tộc, đặc biệt họ nội còn có dòng dõi Khoa Nhĩ Thấm bộ, từ nhỏ Qua Nhĩ Giai thị đã có thân phận cao quý hơn người, đó là một trong những lí do bà trở thành Hoàng thái tử phi của Dận Nhưng.

Hoàng thái tử phi Đại Thanh

Chỉ định thành hôn

Thời gian đầu, Qua Nhĩ Giai thị không được ghi cụ thể hành trạng, nên không rõ bà được chỉ định trở thành hôn thê của Hoàng thái tử Dận Nhưng khi nào. Năm Khang Hi thứ 34 (1695), Khang Hi Đế hạ chiếu lập Qua Nhĩ Giai thị làm Hoàng thái tử phi, công khai bà được nhắm đến vị trí Hoàng hậu tương lai.[2]

Thân phận của Qua Nhĩ Giai thị lúc này là cực kì đặc thù, nhất là khi phu quân Dận Nhưng của bà được vô vàn sủng ái, nghi chế mũ mão đều như thiên tử, lại còn phụng mệnh giám quốc. Khang Hi Đế quy định hằng năm vào ba đại tiết Nguyên Đán, Đông chí, Thiên thu, bách quan đều phải hướng Thái tử hành lễ nhị bái lục khấu, lại ra lệnh kị danh húy của Thái tử, thậm chí đồ của Dận Nhưng còn tốt hơn cả đồ của Khang Hi Đế. Thái tử phi Qua Nhĩ Giai thị dù chưa phải là Hoàng hậu nhưng được đối đãi như Hoàng hậu, thời gian này xuân phong đắc ý, vinh quang phi thường. Bà phụ trách các công việc nội đình chỉn chu, cẩn thận, được Khang Hi Đế hết lòng khen ngợi.

Ngày 11 tháng 11 năm Khang Hi thứ 36 (1697), Thái tử phi hạ sinh con gái thứ ba cho Thái tử Dận Nhưng, và cũng là đứa con duy nhất của bà. Vị Hoàng tôn nữ vào năm thứ 59 (1720), ngày 2 tháng 6, Khang Hi Đế hạ chỉ phong Quận chúa, gả cho Thổ Mặc Đặc Đạt Nhĩ Hán Bối lặc A Lạt Bố Thản (默特达尔汉贝), một Hoàng tử của Mông Cổ.

Hai lần bị phế

Năm thứ 47 (1708), ngày 18 tháng 9, sau một hồi phụ tử lục đục, triều thần bất hòa, Khang Hi Đế chính thức phế bỏ ngôi vị Thái tử của Dận Nhưng, giam cầm, mệnh Trực Quận vương Dận Thì trông coi. Thái tử phi Qua Nhĩ Giai thị bị tước đi sách bảo, ở Hàm An cung cùng phu quân chịu tội.

Tháng 10, Hoàng tam tử Dận Chỉ, tấu với Khang Hi Đế, cáo buộc Hoàng trưởng tử Dận Thì đi lại gần với Vu thuật sư (Mông Cổ Lạt ma Ba Hán Cách Long), sử dụng tà thuật hãm hại Hoàng đích tử Dận Nhưng để đoạt ngôi vị trí Thái tử. Năm Khang Hi thứ 48 (1709), bởi vì Đại A ca cùng Bát A ca tranh trữ thất bại, mẫu thuẫn trong các Hoàng tử càng trở nên gay gắt, Khang Hi Đế quyết định phục lập Thái tử Dận Nhưng, tin rằng những điều sai trái trước đây mà Thái tử làm là do bị yểm bùa mà nên. Ngày 10 tháng 3, làm lễ phục lập Hoàng đích tử Dận Nhưng làm Thái tử. Đích phi Qua Nhĩ Giai thị cũng từ đó mà trở về danh vị Hoàng thái tử phi. Cùng ngày, lấy Lễ bộ thượng thư Phú Ninh An (富寕安) làm Chính sứ, Lễ bộ tả Thị lang Thiết Đồ (切圖) làm Phó sứ cầm cờ tiết, để Qua Nhĩ Giai thị thụ sách bảo phục phong.

Năm Khang Hi thứ 50 (1711), tháng 10, Khang Hi Đế nghe tấu rằng, Thái tử Dận Nhưng tiếp xúc cùng những nhân sĩ bất chính, muốn liều lĩnh cưỡng ép Phụ hoàng thoái vị, tự mình lên ngôi. Khang Hi Đế nghe xong đại nộ, lập tức trở về Kinh, cho tra xét các đại thần thuộc "Thái tử đảng", đồng thời khiển trách Bộ quân Thống lĩnh Thác Hợp Tề (讬合齐), Hình bộ Thượng thư Tề Thế Vũ (齐世武), Binh bộ Thượng thư Cảnh Ngạch (耿额), Đô thống Ngạc Thiện (鄂缮), Nhạ Đồ (迓图). Đây chính là [Thẩm Thiên Sinh án] trứ danh. Lại đem Thác Hợp Tề cùng với tội ăn hối lộ trong Thẩm Thiên Sinh án mà bị phán treo cổ (cuối cùng chết trong ngục, thi thể bị thiêu), Tề Thế Vũ cũng bị phán treo cổ, Ngạc Thiện bị đoạt quan u cấm, Nhạ Đồ bị đưa vào Tân Giả Khố thủ mộ An Thân vương. Mâu thuẫn giữa Khang Hi cùng Thái tử chung quy phát triển đến trình độ không thể điều hòa, Khang Hi Đế quyết định lại một lần nữa phế Thái tử. Đích phi Qua Nhĩ Giai thị lại bị giam cùng phu quân ở Hàm An cung cũ, u uất sinh bệnh.

Tháng 7 năm Khang Hi thứ 57 (1718), Đích phi khứ thế, không rõ thọ bao nhiêu tuổi. Khang Hi khen ngợi Đích phi hiền hậu hiếu kính[3], dụ bộ Lễ tổ chức tang lễ cẩn thận. Sau khi Đích phi qua đời, Dận Nhưng không lập kế phối nữa. Năm Ung Chính thứ 2 (1724), Dận Nhưng bệnh nặng, Ung Chính Đế dụ đại thần an bài hậu sự. Ngày 14 tháng 12, Dận Nhưng qua đời khi vẫn còn bị cấm cố trong Hàm An cung, thọ 51 tuổi, được truy phong Lý Mật Thân vương (理密親王). Đích phi Qua Nhĩ Giai thị từ đó cũng đổi gọi [Lý Mật Thân vương Đích Phúc tấn; 理密親王嫡福晉].